@ Nhận chụp ảnh, quay phim cưới hỏi, sinh nhật, đám tiệc..., tạo album ảnh & CD & DVD kỹ niệm, album nhạc..., đội ngủ nhà nghề với công nghệ studio kỹ thuật số hiện đại. @

 Hướng dẫn và nhận thiết kế: @Film @Ảnh kỹ thuật số + Ra ảnh dựng phim cho máy chụp hình, máy quay phim Kỹ thuật số,các loại camera... máy điện thoại di động

ồ họa @Corel @Photoshop

@Phone: 016.460.460.22

Chuyện dài: I ngắn, Y dài

Trong những tranh luận về tiếng Việt, nhất là về chính tả, hẳn chúng ta đã được đọc nhiều bài viết về cách dùng hai chữ cái “ i “ và “ y “ trong nhiều năm qua. Cuộc tranh luận này dường như còn lâu lắm mới đến hồi kết thúc. Bài viết này không nhằm đưa ra một tranh luận mới, mà chỉ xin đưa ra một cái nhìn chung và những dữ kiện khách quan về vấn đề này. Người viết bài đã sinh hoạt trong Ban Đại Diện các Trung Tâm Việt Ngữ Nam California từ tám năm nay với các Khoá Huấn Luyện và Tu Nghiệp Sư Phạm hằng năm vào mùa hè. Trong Khoá HLTNSP năm 2003, nhân nói chung về những điểm vô lý trong chính tả tiếng Việt, chúng tôi cũng có đưa ra một số nhận xét về cách dùng i và y một cách khái quát. Gần đây hơn, vào Khoá HLTNSP năm 2011, trong một lớp nói về cách phát âm phụ âm của học sinh Mỹ gốc Việt, chúng tôi cũng được vài khoá sinh hỏi về cách dùng hai chữ này. Chúng tôi đã dùng cách “khôi hài hoá” vấn đề và trả lời như sau: Cách dùng i hay y là tuỳ theo sự việc mà từ ngữ diễn tả. Khi hai vợ chồng bỏ nhau mà làm thủ tục êm xuôi, nhanh chóng, thì viết là li dị; nếu thủ tục rườm rà, có nhiều tranh chấp, kéo dài thời gian, thì viết là ly dỵ. Người chữa bệnh lâu năm, có nhiều kinh nghiệm thì gọi là bác sỹ; kẻ mới ra trường y khoa, chưa có kinh nghiệm, thì gọi là bác sĩ. Cũng vậy, loại bánh baguette dài thì viết là bánh mỳ, còn loại bánh ngắn thì viết là bánh mì, v.v. Cứ theo cách này, chúng ta sẽ tha hồ mà có muôn ngàn từ ngữ với i và y để diễn tả những khác biệt tinh tế về ý nghĩa của tiếng Việt. Nhưng đấy chỉ là nói đùa cho vui mà thôi. Nếu nghiêm chỉnh mà nhìn vào vấn đề của i và y thì chúng ta thấy được những gì? Trước khi vào chuyện, chúng tôi xin được phép không đồng ý với một ý kiến là cách phát âm của i và y khác nhau. Theo ý kiến này, i đọc ngắn lại còn y đọc dài ra. Xin quý vị thử nghĩ, chúng ta có đọc ngắn chữ i trong chữ ti tiện và đọc dài chữ y trong chữ công ty không? Đó là chưa nói đến có một số chữ mà xem ra viết với i hay y cũng đều được chấp nhận, không nhiều thì ít, như quí báu hay quý báu (hay lại theo cái kiểu, quí có nghĩa là quí in ít, còn quý là quý nhiều nhiều?!!), hoặc là lâm li hay lâm ly, v.v. Khi bàn đến ngôn ngữ, nếu chúng ta có thể dẫn chứng một vài ngôn ngữ khác để rộng đường dư luận thì cũng là một điều hay. Không riêng gì tiếng Việt mà tiếng Anh xem chừng cũng khá lúng túng với i và y. Trong một cuộc trao đổi ý kiến với một đồng nghiệp của chúng tôi là giáo sư Lâm Lý Trí, ông đưa ra một ví dụ trong tiếng Anh mà tôi rất lấy làm tâm đắc. Ông bảo ngay trong chữ city của tiếng Anh cũng đã có hai chữ đó sống chung hoà bình với nhau. Chúng ta biết rằng tiếng Anh là thứ tiếng có trọng âm (stress), và trong chữ city vần đầu có trọng âm. Nhưng như vậy thì hoá ra vần ci- có trọng âm phải đọc chữ i kéo dài, còn vần –ty không có trọng âm thì phải đọc chữ y ngắn lại hay sao? Và như vậy thì ngược với ý kiến trong tiếng Việt mà chúng tôi đã nêu trên. Có quý vị sẽ bảo, Nhưng không thể lấy tiếng Anh hay một thứ tiếng nào khác để chứng minh một điều trong tiếng Việt! Điều này có thể đúng mà cũng có thể không đúng. Các ngôn ngữ trên thế giới có liên quan với nhau về nhiều mặt. Hẳn quý vị có biết một ngân hàng lớn ở Mỹ đã lấy tên là Citibank với chữ i, như vậy đủ chứng tỏ là i cũng thay thể y được, mà cách đọc của chữ mới này có khác với cách đọc của chữ city đâu? Chúng tôi xin đưa thêm một ví dụ trong tiếng Anh nữa để chúng ta thấy là i và y thật ra có thể thay thế lẫn nhau trong rất nhiều trường hợp. Trong tiếng Anh, một trong những tiền tố (prefix) phủ định là dis-, có thể thấy trong rất nhiều chữ như disrespectful, dishonest, discontinue, v.v. Thế nhưng, đùng một cái, chúng ta thấy chữ dysfunctional viết với chữ y. Như vậy thì tiền tố dys- này có đọc dài hơn với tiền tố dis- hay không? Chắc quý vị đã có câu trả lời. Trở lại với tiếng Việt, đặc biệt là chính tả tiếng Việt, chúng tôi xin nêu ra hai đặc tính căn bản trong chính tả, áp dụng không những cho chính tả tiếng Việt, mà cho bất cứ thứ tiếng nào có hệ thống chữ viết. Đặc tính thứ nhất của chính tả là tính tuỳ tiện (arbitrariness). Theo đặc tính này, người nói ấn định một dấu hiệu nào đó trong cách viết để biểu hiện một âm, một vần hay một chữ nào đó trong cách nói. Thí dụ như trong chính tả tiếng Việt, chữ p là để biểu hiện âm /p/. Sự biểu hiện này chỉ đúng với tiếng Việt, tiếng Anh, tiếng Pháp, v.v., nhưng lại chẳng có nghĩa lý gì với một số tiếng khác. Chẳng hạn như trong tiếng Tagalog (dùng ở Phi-luật-tân), chữ p có âm /f/ (như trong chữ pamilya, có nghĩa là gia đình), còn trong tiếng Nga, chữ p lại có âm /r/ (như trong chữ роза, có nghĩa là hoa hồng). Đấy, chính tả tuỳ tiện là ở chỗ đó. Không có chân lý tuyệt đối trong chính tả. Đặc tính thứ nhì của chính tả là tính ước lệ (conventionality). Sau khi đã tuỳ tiện quy ước một dấu hiệu nào đó trong cách viết là để biểu hiện cho một âm, một vần, một chữ nào đó trong tiếng nói, những người cùng dùng chung một ngôn ngữ đồng ý với nhau về quy ước đó và cứ như vậy mà áp dụng. Tính ước lệ cũng thấy trong nhiều lãnh vực khác, như các bảng chỉ dấu hiệu đi đường. Chúng ta đã quá quen với những bảng dấu hiệu đó và chỉ hiểu mỗi dấu hiệu theo một nghĩa duy nhất (theo ước lệ), mà không thể, hay không muốn hiểu theo một nghĩa nào khác nữa. Lấy ví dụ như tấm bảng mà chúng ta hiểu rằng “Thường có nai băng ngang” để cẩn thận trong khi lái xe trên những con đường ở vùng quê. Nhưng có thể có người lại muốn hiểu là “Ở đây có bán thịt nai” thì sao?!! Biết được hai đặc tính của chính tả nói chung rồi, bây giờ chúng ta nhìn lại nguồn gốc của chính tả tiếng Việt. Chúng ta ai cũng biết là mẫu tự tiếng Việt dựa vào mẫu tự La-tinh, do một số nhà truyền đạo đem đến nước ta trong thời kỳ thực dân Pháp đô hộ. Những nhà truyền giáo này nói tiếng Pháp, tiếng Ý, tiếng Bồ-đào-nha, tiếng Tây-ban-nha, v.v. cho nên những quy ước trong chính tả tiếng Việt phần lớn dựa vào quy ước chính tả trong những thứ tiếng đó. Có những quy ước hợp lý, cũng có những quy ước vô lý, nên chính tả tiếng Việt thừa hưởng cả hai loại quy ước đó. Trước hết, chúng ta cần trả lời câu hỏi có tính chất căn bản, i và y là nguyên âm hay là bán nguyên âm? Xét qua cách cấu tạo vần trong tiếng Việt, và cách thể hiện những vần đó qua chính tả, chúng ta phài trả lời là i có thể dùng như nguyên âm và cũng có thể dùng như bán nguyên âm; y cũng vậy, vừa dùng như nguyên âm, vừa như bán nguyên âm trong chính tả tiếng Việt. Lấy ví dụ, i được dùng như nguyên âm trong những chữ đi, si, chia, chịu, v.v. Nó được dùng như bán nguyên âm trong những chữ như hai, coi, tươi, v.v. Về phần y, chữ cái này được dùng như nguyên âm trong những chữ ý, quý, ỷ lại, v.v., và được dùng như bán nguyên âm trong những chữ nguyên, yên, hay v.v. Rắc rối thật, phải không quý vị? Chẳng trách gì có một số người muốn bỏ phức chữ y đi, để “tiếng Việt càng ngày càng trong sáng” hơn! Thế nhưng sẽ có những người “bảo thủ” bắt bẻ, Nếu bỏ y đi thì tính sao với những chữ như thuý, tận tuỵ, phát huy, v.v.?!!! Bỏ thì thương, vương thì tội, rõ ràng là thế. Nếu xét qua những thứ tiếng như Pháp, Ý, Tây-ban-nha, Bồ-đào-nha, là những thứ tiếng mà chính tả được dựa vào để làm nên chính tả tiếng Việt, chúng ta sẽ thấy những thứ tiếng này cũng dùng i và y, có khi là nguyên âm, có khi là bán nguyên âm, y hệt như trong chính tả tiếng Việt vậy. Chẳng hạn như trong tiếng Tây-ban-nha và tiếng Pháp, có quy luật là hễ âm /i/ viết thành một chữ riêng biệt thì phải viết với y (và tiếng Việt của chúng ta cũng y như thế!) Ví dụ: María y Juan (Maria và Juan – tiếngTây-ban-nha) Ça y est! (Vậy đó! Xong rồi – tiếng Pháp) Hay trong tiếng Tây-ban-nha, i và y đều có thể dùng như bán nguyên âm trong những trường hợp khác nhau. Ví dụ như trong chữ bien (nghĩa là hay, tốt đẹp), i được dùng như bán nguyên âm (tựa như chữ biên trong tiếng Việt vậy). Còn trong chữ huyen (có nghĩa là họ chạy trốn), y được dùng như bán nguyên âm (tựa như chữ huyên trong tiếng Việt). Tuy nhiên, nhập gia thì tuỳ tục, khi vào đến chính tả tiếng Việt, ngoài những nét tương đồng với các thứ tiếng gốc La-tinh nói trên, i và y cũng được dùng theo một số quy ước riêng chỉ áp dụng cho tiếng Việt. Để tóm tắt một cách có hệ thống, sau khi quan sát cách dùng i và y trong chính tả tiếng Việt, chúng ta có thể thấy có những quy luật chính tả sau đây: I. Cách dùng chữ i. Chữ i được dùng trong những trường hợp sau: 1. Dùng như nguyên âm đơn theo sau một phụ âm: mi, đi, phi, thi, mít, thịt, v.v. 2. Dùng như nguyên âm chính trong một nhị trùng âm: chia, chịu, quít, quì, v.v 3. Dùng như bán nguyên âm đầu trong một nhị trùng âm: tiếc, kiếm, thiệp, v.v. 4. Dùng như bán nguyên âm sau trong một nhị trùng âm: hai, mái, coi, hơi, cúi, v.v. 5. Dùng như bán nguyên âm đầu trong một tam trùng âm: chiếu, tiêu, kiểu, v.v. 6. Dùng như bán nguyên âm sau trong một tam trùng âm: cười, tuổi, chuối, v.v. II. Cách dùng chữ y. Chữ y được dùng trong những trường hợp sau: 1. Dùng như nguyên âm trong những chữ chỉ có nguyên âm (không có phụ âm trước hay sau): y, ỷ, ý, v.v. 2. Dùng như nguyên âm chính trong một nhị trùng âm có chứa bán nguyên âm /w/ (biểu hiện bằng chữ u): quý, thuý, luỹ, suýt, v.v. 3. Dùng như bán nguyên âm đầu trong môt nhị trùng âm trong những chữ không bắt đầu bằng một phụ âm: yến, yếm, yết, v.v. 4. Dùng như bán nguyên âm đầu trong một tam trùng âm trong những chữ không bắt đầu bằng một phụ âm: yêu, yểu, yếu, v.v. 5. Dùng như bán nguyên âm thứ nhì trong một tam trùng âm: nguyên, quyết, chuyện, v.v. 6. Dùng như bán nguyên âm sau trong một nhị trùng âm: hay, đây, xay, v.v. 7. Dùng như bán nguyên âm sau trong một tam trùng âm: quay, xoay, quậy, v.v. Quan sát cách dùng của i và y, chúng ta thấy y dùng nhiều hơn i trong một trường hợp, và có vài cách dùng của hai chữ cái này có vẻ trùng hợp nhau. Đó là lý do một số người muốn giản lược cách dùng, gộp hai thành một là vậy. Tuy nhiên, có trường hợp i và y được “giao phó” cho một nhiệm vụ là phân biệt cách phát âm. Nhìn vào cách dùng (4) của i và cách dùng (6) của y, chúng ta thấy cấu trúc vần như nhau, nghĩa là nguyên âm + bán nguyên âm. Nếu đem hai chữ hai và hay ra so sánh, chúng ta sẽ thấy “nhiệm vụ” của i và y quan trong như thế nào. Tuy hai chữ hai và hay khác nhay ở cách viết i và y, sự thật là chỗ khác nhau trong cách đọc không phải ở i và y, mà là ở cách đọc chữ a đứng trước. Vô hình chung, có một quy ước như thế này: • Khi a có i theo sau, ta có nguyên âm a đọc mở, hơi dài, như trong chữ tai, sai, cai, v.v. • Khi a có y theo sau, ta có nguyên âm ă đọc ngắn lại, như trong chữ tay, say, cay, v.v.(viết là a mà kỳ thực là đọc như ă). Một công dụng khác của i và y là giúp phân biệt hai loại nhị trùng âm cùng dùng chữ u trong chính tả, nhưng có khi u là nguyên âm, có khi là bán nguyên âm. Lại thêm một quy ước về i và y nữa. Quy ước đó như sau: • Trong một nhị trùng âm mà u là nguyên âm và i là bán nguyên âm, nhị trùng âm đó sẽ viết là ui: cúi, túi, lui, v.v. • Trong một nhị trùng âm mà u là bán nguyên âm và i là nguyên âm, nhị trùng âm đó sẽ viết là uy, thuý, quý, luỹ, suy, v.v
Nên nhớ, đây cũng chỉ là những quy ước thôi, và quy ước nào cũng có thể sửa
đổi. Tuy nhiên, qua các quy ước này, chúng ta cũng có thể thấy là i và y khá
có ích trong việc giúp phân biệt cách phát âm hay sự khác nhau giữa nguyên
âm và bán nguyên âm.
Đọc đến đây, chắc sẽ có một số quý vị phàn nàn, Biết rồi! Khổ lắm! Nói mãi!
Nhưng câu chuyện này đi đến đâu? Giải quyết thế nào?
Xin thưa, quan điểm của chúng tôi là không sửa đổi, cải cách gì cả. Khi viết, chúng ta nên theo đa số, cách nào nhiều người dùng hơn thì chúng ta dùng (nếu chúng ta không muốn lập dị). Chúng ta cũng có thể tham khảo một số từ điển của những tác giả có uy tín để làm điểm tựa. Đành rằng cách dùng i và y phô ra nhiều điểm không hợp lý, nhưng còn biết bao nhiêu điều chưa hợp lý trong chính tả tiếng Việt đang chờ được giải quyết nữa? Xin đơn cử một ví dụ, chỉ với một âm /k/ mà chính tả tiếng Việt cần đến ba chữ cái là c, k và q để biểu hiện. Tại sao không viết kon ká thay vì con cá nếu cá ch nào cũngcó thể đọc ra cùng một âm /k/? Hay tại vì cách viết kon ká có vẻ “khó koi”?!! Nếu phải cải cách cách dùng ba chữ cái phụ âm này (chỉ dùng một chữ k cho tất cả các trường hợp), chắc chúng tôi sẽ viết ra một câu chuyện nhỏ như sau: Kô Kúk kwa nhà anh Kường rủ anh đi kâu ká. Anh Kường kẹt phải đi làm kiếm tiền nuôi lũ kon kòn nhỏ nên phải kiếu từ. Kô Kúk nghĩ anh Kường kiếm kớ không muốn kwen kô. Phen này kô Kúk kwuyết chinh phục trái tim khô kứng kủa anh Kường, để không hổ mặt giới hồng kwuần nhi nữ! Về ngôn ngữ, chúng tôi quan niệm là nó cũng bất toàn như biết bao điều bất toàn khác chung quanh chúng ta. Chúng tôi thường nghĩ đến việc cải cách chính tả như việc phái nữ (và cả phái nam) thích sửa sắc đẹp. Sửa xong cái mũi rồi, thấy đôi mắt chưa được to cho lắm, phải sửa thêm mắt. Sửa mắt rồi, thấy đôi môi chưa được chúm chím, lại phải bơm môi. Chuyện sửa sắc đẹp chắc cũng chẳng khác chi chuyện dài i và y, phài không quý vị? Thôi thì trời sinh sao để vậy. Cái đẹp lâu bền chính là cái đẹp tự nhiên.
GS Trần Chấn Trí

Sự lộn xộn i/y
ThS. Đào Tiến Thi (NXB Giáo dục Việt Nam)

Trong một số bài viết trước đây[1], chúng tôi đã đưa ý kiến về 2 hình thức chính tả ghi âm /i/ khi âm này đi sau 6 phụ âm /h, k, l, m, s, t/ trong vần mở (không có âm cuối); ở đây hiện có hai quan điểm: tất cả đều viết i và quan điểm phân biệt i/y (từ đây quy ước cách gọi: nhất thể i phân biệt i/y). Chúng tôi không nhất trí quan điểm nhất thể i vì:

 Nhất thể i dẫn đến lợi bất cập hại. Vì mất đi sự phân biệt nghĩa các yếu tố đồng âm: cọ/ kỳ vọng, ti trôn/ công ty,… và mất sắc thái văn hoá: viết khác viết trong tên riêng,... ‚ Về chính tả, viết phân biệt i/y không phải là khó khăn không thể vượt qua, vì ngoài thói quen, có thể phân biệt bằng bằng tiêu chí từ thuần ViệtHán Việt. Trong bài này, chúng tôi xin nhấn mạnh và bàn tiếp một số điểm cho thấu đáo hơn.
1. Việc nhất thể i và sự lộn xộn i/y bắt đầu từ bao giờ? 1.1. Xem lại các sách báo, chúng tôi thấy rải rác từ lâu, đã có hiện tượng viết lẫn lộn i/y nhưng rất ít. Nhìn chung, sách báo trước năm 1980 – tức là trước khi có quy định của Bộ Giáo dục nhất loạt i thì việc viết phân biệt i/y khá phân minh. Việc nhất thể i cũng như hiện tượng viết lộn xộn i/y bắt đầu từ khi có Một số quy định về chính tả trong sách giáo khoa cải cách giáo dục ban hành ngày 30-11-1980 (gọi tắt là Quy định 1980), do Thứ trưởng Bộ Giáo dục Võ Thuần Nho và Phó Chủ nhiệm UBKHXH Phạm Huy Thông ký. Văn bản này (không ghi số) quy định như sau: “Riêng trường hợp các âm tiết có nguyên âm i ở cuối thì viết thống nhất bằng i, trừ uy, như duy, tuy, quy,...; thí dụ: kì dị, lí trí, mĩ vị. Chú ý: i hoặc y đứng một mình hoặc đứng đầu âm tiết vẫn viết theo thói quen cũ, thí dụ: ý nghĩa, y tế, ỉ eo, im, yêu”.. Ngày 5-3-1984, Bộ Giáo dục lại có Quyết định số 240/QĐ Quy định về chính tả tiếng Việt và thuật ngữ tiếng Việt (Bộ trưởng Nguyễn Thị Bình ký, gọi tắt là Quy định 1984). Quy định này không đề cập cụ thể trường hợp i/y mà viết chung như sau: “Về những từ tiếng Việt mà chuẩn chính tả hiện nay chưa rõ, có thể nhận thấy những trường hợp chủ yếu sau đây, và đối với mỗi trường hợp, nên dùng tiêu chí thích hợp. Cụ thể là: a) Dùng tiêu chí thói quen phát âm của đa số người trong xã hội, mặc dù thói quen này khác với từ nguyên (gốc Việt hay gốc Hán). Thí dụ: chỏng gọng (tuy là chổng gọng theo từ nguyên); đại bàng (tuy là đại bằng theo từ nguyên) b) Dùng tiêu chí từ nguyên khi thói quen phát âm chưa làm rõ một hình thức ngữ âm ổn định. Thí dụ: trí mạng (tuy cũng có gặp hình thức phát âm chí mạng) c) Khi trong thực tế đang tồn tại hai hình thức chính tả mà chưa xác định được một chuẩn duy nhất, thì có thể tạm thời chấp nhận cả hai hình thức ấy, cho đến khi nào thói quen sử dụng nghiêng hẳn về một hình thức. Thí dụ: eo sèoeo xèo; sứ mạngsứ mệnh. Quyết định số 240/QĐ còn ghi rõ: “Những quy định trước đây trái với quyết định này đều bãi bỏ”. Có nghĩa là kể từ 5-3-1984, Quy định 1980, trong đó có việc nhất thể i, đã không còn giá trị. Không hiểu sao sau đó Quy định 1980 vẫn được in lại nhiều lần trong các giáo trình tiếng Việt (?). Quy định 1984 ra đời trên cơ sở Quyết nghị của Hội đồng chuẩn hoá chính tả (GS. Phạm Huy Thông làm chủ tịch) và Hội đồng chuẩn hoá thuật ngữ (GS. Nguyễn Cảnh Toàn làm chủ tịch). Hai hội đồng này thành lập từ 25-12-1982, qua xem xét nhiều góp ý và qua nhiều phiên thảo luận, cuối cùng đã ra Quyết nghị ngày 1-7-1983. Trong Hội đồng chuẩn hoá chính tả có GS. Hoàng Phê, về sau chủ biên Từ điển tiếng Việt, in lần đầu năm 1988, được tái bản nhiều lần. Trong tham luận, Hoàng Phê đề nghị nhất thể i trong 6 âm tiết mở (viết hi, ki, li, mi, si, ti) Nhưng như ta thấy, điều này không có trong Quy định 1984 cũng như trong Quyết nghị, chứng tỏ đó chỉ là ý kiến cá nhân. Và khi làm Từ điển tiếng Việt, Hoàng Phê vẫn chấp nhận cả cách viết hy, ky, ly, my, sy, ty, chỉ có điều ông chọn hình tức i ngắn để giải nghĩa, còn hình thức y dài thì chuyển chú. Chỗ này làm nhiều người lầm tưởng hình thức i ngắn là chuẩn duy nhất.
1.2. Như vậy, có thể thấy sự tồn tại hai cách viết hiện nay là do:  Việc nhất thể i trong Quy định 1980 được thực thi ở sách giáo khoa cải cách giáo dục, bắt đầu từ 1980 (lớp 1), hoàn tất 1992 (lớp 12). Trong khoảng thời gian đang thay sách thì có văn bản mới thay thế. Tuy nhiên NXB Giáo dục vẫn tiếp tục cách viết nhất thể i. Phải chăng để khỏi “tiền hậu bất nhất”, những người làm sách đã vận dụng phần “để ngỏ” trong Quy định 1984? Hoặc họ là những người ủng hộ quan điểm nhất thể i. Vì như ta thấy, trong đợt thay SGK mới đây (2002 – 2008), NXB Giáo dục và NXB Đại học Sư phạm (Hà Nội) vẫn tiếp tục nhất thể i. Cả một lớp người đông đảo đã được nhất thể i thông qua ghế nhà trường suốt 30 năm qua! ‚ Mặt khác, các cơ quan xuất bản và báo chí không thuộc Bộ Giáo dục không chịu sự tác động pháp lý của các văn bản trên vẫn tự lựa chọn chính tả theo quan niệm của mình, cho nên hầu hết họ vẫn duy trì việc phân biệt i/y như trước năm 1980. Tìm hiểu sách của 49/59 nhà xuất bản hiện nay chúng tôi thấy 46 nhà xuất bản vẫn phân biệt i/y. Khảo sát hơn 100 tờ báo và tạp chí (viết), cũng chỉ thấy mấy tạp chí chuyên ngành ngôn ngữ là nhất thể i, gồm Ngôn ngữ (Viện Ngôn ngữ học), Ngôn ngữ và đời sống (Hội Ngôn ngữ học Việt Nam), Từ điển học và bách khoa thư (Viện Từ điển và Bách khoa thư Việt Nam), còn lại đều viết phân biệt i/y, kể cả một số báo và tạp chí của ngành giáo dục như Giáo dục và thời đại, Thế giới mới, Thế giới trong ta. Một số tác giả có sách ở NXB Giáo dục đã đề nghị phân biệt i/y trong một số sách nghiên cứu. Các tên riêng trong sách của NXB Giáo dục, trước áp lực của xã hội, cũng dần đổi từ i ngắn sang y dài.
2. Những hệ luỵ của việc nhất thể i ngắn Những tác giả muốn nhất thể i để tránh “bất hợp lý” nhưng thực ra lại lâm vào những hệ luỵ khác. 2.1. Việc nhất thể i chỉ giải quyết được mỗi một lý do về ngữ âm học: 1 âm chỉ ghi bằng 1 chữ. Nhưng chữ viết, dù là chữ ghi âm, đâu chỉ có mỗi việc là ghi lại phát âm. Ngoài ghi âm, trong nhiều trường hợp, nó còn ghi lại ý nghĩa hoặc thoả mãn một khía cạnh văn hoá, lịch sử. Lấy thí dụ đơn giản, những cách viết Bắc Kạn, Kon Tum (tên đất), Ba Cul, Hai Buôl (tên người) là “sai” chính tả, nhưng nó có lý do tồn tại (không đơn giản rằng đó chỉ là “chiều” theo sở thích của cá nhân). Ngay hình thức chính tả i/y cũng không thể nhất thể i trường hợp /i/ một mình làm âm tiết: (khóc) i ỉ/ y tế, ầm ì/ sức ỳ, ỉ eo/ ỷ lại, í ới/ ý nghĩa,…
2.2. Sự không “ăn khớp” giữa âm và chữ của chữ QN là không nhỏ[2]. Theo lý thuyết thì điều này gây khó khăn cho chính tả, nhưng thực tế cũng không khó khăn lắm, do khi viết có hiện tượng “nhớ mặt chữ” chứ không phụ thuộc tất cả vào phát âm. Cái sự “bất hợp lý” i/y là quá nhỏ so với hàng loạt trường hợp “bất hợp lý” khác. Giả sử tại thời điểm này, nếu sáng tạo ra một thứ chữ quốc ngữ mới, thì hoặc là dựa hẳn vào ngữ âm của một vùng (chọn làm chuẩn) và những vùng khác phải chấp nhận vênh lệch, hoặc là chấp nhận một chính tả “siêu phương ngữ” với những vênh lệch khác nhau của tất cả các vùng (như tình trạng hiện nay). Và như vậy, dù một thứ chữ mới tinh cũng vẫn “bất hợp lý” như thường.
2.3. Có lập luận cho rằng chữ viết bị cố định trong khi ngữ âm luôn biến đổi, đến một lúc nào đó sẽ tạo ra “bất hợp lý”, do đó việc cải tiến chữ viết là cần thiết. Nhưng thử xem, chỉ cần cải tiến vài lần như vậy, đến một lúc nào đó, con cháu sẽ không đọc được chữ của ông cha nữa! Kinh nghiệm của người Anh, người Pháp cho thấy không cần và không nên sửa đổi chữ viết. Thực ra, họ đã từng có xu hướng muốn cải cách chữ viết[3]. Nhưng họ đã mau chóng nhận ra sai lầm và đến nay “hoạ chăng chỉ những người không được bình thường may ra mới còn nghĩ đến chuyện cải cách chính tả Anh hay Pháp, mặc dù so với chữ QN, hai chính tả này còn xa cách phát âm gấp bội[4]. Chúng tôi nghĩ bất cứ ai chỉ cần nghe giảng 30 phút cũng thấy ngay tất cả mọi “bất hợp lý” của chữ QN, chứ không chỉ i/y. Nhưng chữ QN với hình thức chính tả như hiện nay đã ổn định khoảng gần một trăm năm mà không gặp khó khăn gì đáng kể. Tóm lại, sự nhất thể i không đem lại sự sang giàu gì hơn cho chữ QN.
2.4. Sẽ vẫn có người bảo sáp nhập i/y thì ít nhất cũng đỡ rắc rối về một trường hợp chính tả. Điều này cũng không chính xác. Hiện nay vẫn tồn tại nhiều “bất hợp lý” hơn thế mà không gây khó khăn đáng kể, ví dụ: – Trường hợpmột âm ghi bằng 2, 3 cách như g/gh, ng/ngh, c/k/q. Cả 3 trường hợp này tuy đều có quy tắc (đứng trước i, e, ê thì viết gh, ngh, k), nhưng thực tế đại đa số người viết không biết đến quy tắc mà vẫn viết đúng. –Loại chính tả d/gi không có cả quy tắc ngữ âmnhưng cũng không khó khăn lắm. Ngoại trừ vài trường hợp ít dùng, đại đa số người Việt viết đúng một cách rất tự nhiên do phân biệt nghĩa nhớ mặt chữ.Trường hợpi/y rất giống d/gi nhưng còn dễ hơn vì chúng có số lượng ít hơn và gần như hoàn toàn thuộc về hai lớp từ đối lập (Hán Việt và thuần Việt), có thể khái quát thành quy tắc (xem phần 3).
2.5. Một vài nhà xuất bản chủ trương nhất thể i nhưng lại “chiếu cố” tên riêng cho phép viết y dài, sinh ra tiền hậu bất nhất trong một số trường hợp. Ví dụ, viết mĩ lệ, mĩ thuật, thẩm mĩ, còn tên riêng thì viết Mỹ Lệ, (Trương) Mỹ Hoa, Chương Mỹ, Phú Mỹ, trong khi các chữ “mỹ” này đều có nghĩa là “đẹp”.
2.6. Đối với những từ ngữ và tên riêng nước ngoài chứa y, nếu biến thành i sẽ mâu thuẫn với chủ trương phiên chuyển (phiên âm kết hợp chuyển tự) là hình thức đang được số đông đề nghị hiện nay[5]. Ngược lại, nếu giữ y, sẽ giữ được hình thức sát nguyên ngữ hơn: hydrogenium ® hy-đrô; Myanmar ® My-an-ma. Nói tóm lại, việc nhất thể i cũng giống như đề xuất nhất thể nhiều trường hợp khác (d/gi; c/k/q,…) chỉ là lý tưởng “hoàn thiện” chữ QN, sao cho hệ thống chữ cái khớp một cách “chằn chặn” với hệ thống âm vị[6], nghĩa là chỉ để thoả mãn cái lý thuyết về loại hình chữ ghi âm của chữ QN, chứ không giải quyết được gì cả. Chưa kể, nó còn phá hoại một hệ thống đã ổn định, đã hợp lý. Điều này cũng phi lý như một số người chủ trương ngược lại: đặt ra một chuẩn chính âm theo sát hệ thống chữ viết hiện hành, mà nếu thực hiện được nó sẽ phá hỏng cả tiếng Việt[7]. Còn bảo để giải quyết vấn đề lỗi chính tả thì đó chỉ là việc làm vô ích. Tình trạng viết sai chính tả do những nguyên nhân khác[8], không phải do những “bất hợp lý” của chữ viết hay do chưa có chuẩn chính âm.
3. Tiếp tục “cái lý y dài” 3.1 Việc phân biệt i/y cho đến nay vẫn được duy trì ở nhiều khu vực, hẳn là có lý do của nó. Như trên đã nói, 46 nhà xuất bản và hầu hết báo chí vẫn viết phân biệt i/y, chỉ có 3 nhà xuất bản nhất thể i là Giáo dục, Đại học Sư phạm và Từ điển Bách khoa.
3.2. Khảo sát sách của NXB Giáo dục xuất bản trước 1980 và của các nhà xuất bản viết phân biệt i/y hiện nay, chúng tôi thấy về cơ bản là viết đúng (chỉ trường hợp kĩ/ kỹ là có nhầm lẫn). Như vậy, không thể lấy lý do “khó viết” mà nhập i/y làm một. Trước khi có Quy định 1980, việc phân biệt i/y đã khá ổn định. Sự “nhiễu” i/y chỉ bắt đầu từ khi có Quy định 1980. Phát biểu tại Hội nghị về tình hình chính tả trong văn bản tiếng Việt ngày 28-7-2010, GSTS. Trần Trí Dõi cũng nhận xét như vậy: “Cách viết i y thống nhất thành i không có trong Quyết định 240/QĐ ngày 5-3-1984 của Bộ Giáo dục. Người ta chỉ thấy đó là cách dùng riêng trong sách giáo khoa của NXB Giáo dục sau khi “cải cách giáo dục và sách giáo khoa”. Vì thế, nó đã không được cộng đồng sử dụng ngôn ngữ đồng thuận chấp nhận”.
3.3. Trong chừng mực nhất định, chúng tôi cũng đã tìm hiểu dư luận xã hội. Các ý kiến phản hồi chúng tôi nhận được gần như không có ai coi nhất thể i là hay, nhất là trong các trường hợp ti trôn/ công ty, bé tí/ tuổi tý, kì cọ/ quốc kỳ, (cười) hi hi/ hy sinh, tức là khi cần phân biệt sắc thái khẩu ngữ với trang trọng, giữa tính gợi tả với tính trừu tượng. Về mặt mỹ thuật, dư luận chung đều cho rằng viết y “đẹp” hơn. Theo chúng tôi, hình thức y “đẹp mắt” hơn i vì trước hết do chính sắc thái nghĩa của từ ngữ khi viết y (từ Hán Việt) mang lại. Nhưng cũng có một phần lý do “hình thể”. Y có nét lượn, tạo sự uyển chuyển. Hơn nữa, khi đi với các chữ cái h, k, l, m, s, t (chữ thường) nó tạo ra sự hài hoà, cân đối do có cả nét đi lên và nét đi xuống (phía dưới dòng kẻ). Hãy so sánh: công ti/ công ty, hi vọng/ hy vọng, hí viện/ hý viện, quốc kì/ quốc kỳ, thư kí/ thư ký, nguyên lí/ nguyên lý, biệt li/ biệt ly, thẩm mĩ/ thẩm mỹ, hoạ sĩ/ hoạ sỹ,v.v.. Chính vì thế, trong tên riêng, gần như gần 100% người ta chọn y dài. Hầu hết các báo và tạp chí, các tên cơ quan, tổ chức, tên cửa hàng, cửa hiệu, các biển quảng cáo đều chọn y dài (tất nhiên là chỉ đối với từ Hán Việt). Khi tôi viết những dòng này, cả nước đang hướng về đại lễ một nghìn năm Thăng Long Hà Nội. Hàng ngàn biểu ngữ treo hai bên đường phố đều viết KỶ NIỆM, dòng chữ trang trọng nhất đặt vườn hoa Lý Thái Tổ cho khai mạc đại lễ viết:

ĐẠI LỄ KỶ NIỆM 1000 NĂM THĂNG LONG HÀ NỘI
Trong trường hợp này không thể viết KỈ (i ngắn), dù KỈ là hình thức “chuẩn” ghi trong nhiều từ điển hiện nay.
Đây là minh chứng cho cảm thức của số đông. Trong ngôn ngữ, cảm thức của số đông ít khi vô lý. Học giả Cao Xuân Hạo viết: “Bản thân nó (cảm thức ngôn ngữ của số đông - ĐTT) có thể không phải là một sự kiện ngôn ngữ chính danh, nhưng nó là cái phản ánh chân xác của một sự kiện khách quan của ngôn ngữ. Công việc của nhà ngữ học chính là phát hiện và trình bày ra một cách hiển ngôn những sự kiện khách quan được phản ánh trong cảm thức bất tự giác của người bản ngữ. Và xưa nay các nhà ngữ học, (...) mỗi khi thủ pháp của họ đưa tới một kết quả trái với cảm thức ấy, họ thường phải từ bỏ quan điểm ban đầu để tìm cách đi đến một kết quả phù hợp với cảm thức ấy hơn”[9].
Chúng tôi nghĩ chỉ riêng thực tế trên cũng đủ để các nhà ngữ học xem lại quan điểm nhất thể i.
3.4. Tuy nhiên bây giờ đặt vấn đề viết phân biệt i/y vẫn khiến nhiều người băn khoăn. Quả thực, ở thời điểm hiện nay, viết phân biệt i/y gần như là “cái mới” (sự thực chỉ là trở lại), vì qua ba thập niên, thói quen nhất thể i đã hình thành ở không ít người. Cho nên băn khoăn nhiều nhất vẫn là tính khả thi. Thực ra chỗ này mới nghĩ thì tưởng khó nhưng xem xét kĩ thì thấy vấn đề đơn giản hơn nhiều. Hai thực tế sau đây rất đáng lưu ý:
3.4.1. Chữ QN tuy là chữ ghi âm nhưng khác rất xa các chữ Ấn Âu. Trong các ngôn ngữ Ấn Âu, gần như phải phát âm đầy đủ từng âm vị, thì tiếng Việt phát âm thành từng âm tiết (tiếng), dù âm tiết đó gồm bao nhiêu âm vị thì cũng chỉ phát âm một lần, tiếng có nhiều âm vị cũng có độ dài như tiếng chỉ có một âm vị. Mỗi âm tiết là một khối “tròn vành rõ chữ”, không nối sang nhau (kiểu như Thank you cuả tiếng Anh). Cho nên trong khi các chữ viết Ấn Âu phải ghi từng âm vị thì chữ QN ghi lại âm tiết (tiếng).
Điều này rất hiển nhiên nhưng khi vận dụng hệ quả của nó vào chính tả thì lại chỉ có một số ít tác giả nhận thấy. Đó là hiện tượng tiếng Việt chỉ có một số lượng âm tiết nhất định (theo một số thống kê, khoảng 6000). Trong phát biểu mới đây (28-7-2010, đd), GS. Trần Trí Dõi cũng khẳng định: “Theo nhận thức của chúng tôi, đúng như GS Hoàng Phê đã chỉ ra “chính tả tiếng Việt đơn thuần là chính tả âm tiết”. Thành thử khi chúng ta kiểm soát được số lượng âm tiết lưu hành trong thực tế tiếng Việt thì việc quy định chính tả cũng là một điều có thể làm được và hoàn toàn không khó khăn trong việc sử dụng”.Số âm tiết cần phân biệt về chính tả lại ít hơn nhiều so với tổng số âm tiết nói trên (theo một số tác giả, đối với người Bắc Bộ, cần khoảng 1950 ©m tiÕt – chiếm 29% tổng số ©m tiÕt). Thực tế lại ít hơn thế nữa. Ví dụ, khi viết ch/tr, d//gi, s/x, chỉ có một số trường hợp khó, chứ những trường hợp như quả chanh/ đấu tranh, da thịt/ gia đình,… thì hầu như chẳng mấy ai phải băn khoăn. Trường hợp i/y còn đơn giản hơn d/gi nhiều.
Tình hình đó khiến ta yên tâm việc phải ghi nhớ: với một số lượng nhỏ những chữ “có vấn đề” về chính tả thì hoàn toàn có thể ghi nhớ được, dễ hơn nhiều so với việc phải sửa phát âm hay phải nhất thể chữ viết (i/y, d/gi,…).
3.4.2. Mặt khác, việc ghi nhớ cũng không hoàn toàn là máy móc, nếu chúng ta biết đến hiện tượng gestalt (chúng tôi đã đề cập trong bài trước), đó là cách tri nhận tổng thể, toàn bộ của thần kinh thị giác giúp ta đọc chữ như tri giác những hình ảnh khác trong thế giới khách quan. Trẻ em bắt đầu học chữ có thể “đánh vần” (ghép từng âm vị) tương tự như cách đọc chữ Ấn Âu, nhưng khi quen rồi thì đọc thành từng tiếng - chữ,mỗi chữ đúng một tiếng, mỗi tiếng đúng một chữ. Do đặc thù này, nên mặc dù là chữ ghi âm nhưng theo chúng tôi, chữ QN ít nhiều có tính ghi ý hoặc chứa sẵn tiềm năng ghi ý. Điều này giải thích tại sao phương ngữ Nam Bộ có ngữ âm xa rời chữ viết khá lớn mà người Nam Bộ, chỉ trừ người học vấn quá thấp, ít đọc (chưa quen mặt chữ), còn thì việc viết đúng chính tả là chuyện không đến nỗi quá khó khăn.
Có thể kiểm nghiệm tính ghi ý của chữ QN khiđọc các chữ tắt tiếng Việt, đó là đọc thẳng các chữ gốc hệt như khi viết đầy đủ: HS, GV, BS, GSTS, HTX, XHCN, TTXVN, TCN = học sinh, giáo viên, bác sỹ, giáo sư tiến sỹ, hợp tác xã, xã hội chủ nghĩa, thông tấn xã Việt Nam, trước công nguyên (chứ không đọc hát ét, giê vê, bê ét, giê ét tê ét, hát tê ích-xì, ích-xì hát xê en-nờ. tê tê ích-xì vê en-nờ). Trong khi tiếng Anh đọc từng chữ cái hoặc ráp vần: BBC /bi:bi:si:/ = British Broadcasting Corporation (Tập đoàn Truyền thanh Anh), NATO /neitou/ = North Atlantic Treaty Organization (Minh ước Bắc Đại Tây Dương).
Hiện tượng trên cho thấy việc đọc chữ QN giống như đọc các “hình ảnh” (mỗi chữ - tiếng là một “hình ảnh”) mà số “hình ảnh” này là có hạn, cho nên “quen” đến nỗi nhìn cái là nhận ra, bỏ qua khâu “đánh vần”. Và do đó hoàn toàn có thể nhớ “mặt chữ”.
3.5. Với đặc thù trên, ta có thể liệt kê một số lượng từ/ từ tố - chữ viết dùng i hoặc y để ghi nhớ theo quy tắc: từ thuần Việt viết i, từ Hán Việt viết y. Với đại đa số chỉ cần ghi nhớ, không cần biết đâu là thuần Việt, Hán Việt, nhưng muốn muốn xác định cũng không khó lắm, dựa vào các đặc trưng sau:

Đặc trưng Thuần Việt Hán Việt Khả năng kết hợp của từ tố Dùng độc lập: hai con sông, ba quả núi, bốn nước,.. Không dùng độc lập: không nói hai , ba sơn, bốn quốc,… Tính biểu cảm Có nghĩa cụ thể, hình tượng: con gái, đàn bà, con đĩ,.. Có nghĩa khái quát, trừu tượng: thiếu nữ, phụ nữ, kỹ nữ,… Màu sắc phong cách Sắc thái thông tục, khẩu ngữ, bình dân: vợ, chồng, anh em,.. Sắc thái chính quy, trang trọng, bác học: phu nhân, phu quân, huynh đệ,…
Riêng đối với các từ chứa tiếng vần /i/ có phụ âm đầu /h, k, l, m, s, t/ đang bàn, ngoài đặc điểm trên, còn có hiện tượng này dễ nhận ra:
– Các từ thuần Việt (viết i), hầu hết là từ đơn hoặc từ láy: hí hoáy, kì cạch, kì kèo, lì loà, lí nhí, sì sụp, ti hí, ti toe,…
– Các từ Hán Việt (viết y) hầu hết là từ ghép: hy vọng, hiếu hỷ, hý khúc, kỳ dị, nguyên lý, tỷ lệ, tỵ địa, công ty,…
Tất nhiên vẫn có một vài ngoại lệ, đó là chuyện bình thường trong ngôn ngữ. Bản liệt kê dưới đây cung cấp danh sách từ và từ tố thông dụng.
H-: hi, hì, hí, hi hi, hì hì, hí hí (mô phỏng tiếng cười/ tiếng khóc), (ngựa) hí, hì hục, hì hụi, hỉ hả, hỉ mũi, hí hoáy, hí húi, hí hửng, hí hởn; hủ hỉ, hỉ hả (biến âm của hể hả) ; hậu hĩ*; hị hị (tiếng khóc); hy sinh (hy, sinh: những con vật để tế thần ® chỉ cái chết cao cả hoặc bỏ hết quyền lợi để làm việc nghĩa); hy vọng (hy: trông mong), hy hữu (hy: ít); hiếu hỷ, hoan hỷ, song hỷ, nhị hỷ, hỷ xả,… (hỷ: vui); du hý, hý kịch, hý khúc, hý trường, hý viện (: vui đùa), (cây) hy thiêm, (khí) hy-đrô.
K-:ki bo, ki cóp, ki-lô-gam, ki-ốt, kì cạch, kì cọ, kì kèo, kì cùng, kì đà, kì giông, kí (ki-lô-gam), kí ninh (quinin); kĩ càng, cũ kĩ, cụ kị ; quốc kỳ, kỳ đài, cầm kỳ thi tửu (kỳ: cờ), học kỳ, kỳ thi, kỳ nghỉ, trường kỳ (kỳ: khoảng thời gian nhất định để làm một việc hay xảy ra một sự việc); kỳ ảo, kỳ lạ, ly kỳ, kỳ diệu, kỳ binh, kỳ dị, kỳ ngộ, kỳ quan, kỳ quái, kỳ tài, kỳ vĩ (kỳ: lạ), kỳ cựu, kỳ hào, kỳ mục (kỳ: già cả), kỳ lân (con vật tưởng tượng), kỳ thị (kỳ: không đều), kỳ vọng (kỳ: trông mong); kỷ cương, kỷ luật (kỷ: phéptắc), kỷ yếu, kỷ lục, kỷ niệm (kỷ: ghi chép), thế kỷ (kỷ: khoảng thời gian); ca kỹ, kỹ nữ (kỹ: múa/ mãi dâm; phụ nữ làm nghề hát xướng thường bị lợi dụng hành nghề mại dâm); kỹ năng, kỹ sư, kỹ thuật, kỹ nghệ, kỹ xảo (kỹ: khéo); ký âm, ký chú, du ký, chữ ký, ký giả, ký hiệu, ký hoạ, ký kết, ký sự, thư ký, ký ức (: ghi chép), ký gửi, ký sinh, ký thác, ký túc xá (: gửi); kỵ khí, đố kỵ (kỵ: ghét); kỵ binh, kỵ mã, kỵ sỹ (kỵ: ngựa); kỵ nhật (kỵ: cấm – ngày giỗ tức ngày chết của cha mẹ coi là ngày cấm).
L-: (cái) li, li-e, chi li*, cu li, mi li (nói tắt của milimet/ miligam), (ngủ) li bì, (nhỏ) li ti, li-ti (tên một nguyên tố), lâm li*, va li, lì, phẳng lì, nhẵn lì, lì loà, lì lợm, lì xì, (nói) lí nhí, lũ lĩ, (mà, chứ) lị, kiết lị; ly (một quẻ trong bát quái), cách ly, ly cách, biệt ly, ly biệt, ly gián, ly hận, ly hôn, ly khai, ly tán, ly tâm (ly: lìa ra); địa lý, vật lý, nguyên lý, lý thuyết, lý do, lý giải, lý luận, lý sự, lý thú, lý tính, lý trí, lý tưởng (: lẽ, nguyên do), hương lý, hào lý, lý trưởng (: làng), hải lý, đường thiên lý (: dặm), lý lịch (: thực tiễn, làm việc); tỉnh lỵ, quận lỵ, lỵ sở (lỵ: sở, nơi chốn).
M- (nốt) mi, (nhà) mi, mi-ca, mi-crô, mi mắt, cù mì, lúa mì, khoai mì, mì sợi, mì chính*, mí (lại), rễ mí,tỉ mỉ, mụ mị* ; tu my, nga my (my: lông mày), nhu mỳ (mỳ: biến âm của mỵ - “đẹp” (?); mỹ cảm, mỹ học, mỹ lệ, mỹ mãn, mỹ miều*, mỹ nhân, mỹ nữ, mỹ phẩm, mỹ quan, mỹ thuật, mỹ tục, mỹ từ, mỹ tửu (mỹ: đẹp); mỵ dân, ma mỵ (mỵ: làm cho người ta mê), uỷ mỵ, kiều mỵ, thuỳ mỵ, mỵ nương (mỵ: đẹp đẽ).
S-:cây si, nốt si, si-lic, đen sì, hôi sì, hàn sì, sì sụp, mua sỉ (mua buôn) ; ngu sy, sy tình, sy mê (sy: ngu, ngốc), quốc sỷ, sỷ nhục (sỷ: hổ thẹn); quốc sỹ, sỹ diện, sỹ khí, kẻ sỹ, sỹ phu, sỹ số, sỹ tử (sỹ: trí thức, học trò); sỹ quan, tướng sỹ, sỹ tốt, tử sỹ (sỹ: lính).
T-:ti (vú), ti hí, (hoa) ti gôn, ti-tan, ti toe, đinh ti, ti trôn, (bé) ti ti, (khóc) ti tỉ, ti tiện*, (uống) tì tì, tì vết, tì tay, (liền) tù tì, tí toáy, tí tách, tí teo, tí ti, tỉ (số đếm), tỉ mỉ, tỉ tê, bạc tỉ, tĩ (hậu môn loài chim), tị nạnh ; ty (sở ngày trước), công ty (ty: quản lý), trúc ty (ty: tơ); tự ty (ty: thấp hèn); tỳ vị (tỳ: lá lách), tỳ bà (một loại đàn), nô tỳ, tỳ thiếp (tỳ: đầy tớ), tỳ tướng (tỳ: nhỏ hơn; tỳ tướng: phó tướng), tỳ vị (tỳ: lá lách); tỷ giá, tỷ lệ, tỷ lệ thức, tỷ lệ xích, tỷ số, tỷ thí, (phương pháp) tỷ dụ (tỷ: so sánh); tỷ dụ, tỷ như (tỷ: ví dụ); ngọc tỷ (quả ấn); tý (tên 1 chi trong 12 chi/ chỉ năm), tỵ nạn, tỵ địa (tỵ: lánh, bỏ); tỵ (tên 1 chi trong 12 chi/ chỉ năm)
Ghi chú:
w Các từ gốc Ấn Âu được viết ihay ytuỳ theo nguyên ngữ.
w Các hình thức Hán Việt không có là: hỳ, lỳ, lỷ, lỹ, mỷ, mý, sỳ, sý, sỵ, tỹ. Các hình thức thuần Việt không có là: kỉ, lỉ, mĩ, sí, sị. Các hình thức thuần Việt ít gặp là: kí (biến âm của cấy - cốc vào đầu), kị (biến âm của trong kì cọ); lĩ (lũ lĩ), mỉ (tỉ mỉ).
w Một số từ ngoại lệ (đánh dấu sao), gồm:
– Những từ Hán Việt có ngữ âm như từ láy nên người Việt đã cảm thức nó như từ láy (nhiều tác giả gọi các từ này là từ láy Hán Việt), chúng tôi coi là từ thuần Việt: chi li (chi: nhánh; li: tách ra); lâm li (lâm: nước nhỏ giọt; li: nước thấm vào); ti tiện (ti: thấp hèn; tiện: hèn). Tương tự còn có hậu hĩ, mụ mị (một yếu tố còn cảm nhận được nghĩa). Riêng mỹ miều thì mỹ vẫn rõ nghĩa gốc nên xếp vào từ Hán Việt.
– Những từ mượn tiếng Hán hiện đại, chúng khác hẳn từ Hán Việt, nên coi như từ gốc Ấn Âu: mì chính. Kí ninh tuy mượn âm Hán Việt nhưng gốc Ấn Âu (quinin), nên tạm coi là mượn Ấn Âu.

w Trường hợp (kĩ càng) và sỹ (kẻ sỹ), nhiều sách, kể cả sách viết trước 1980 (phân biệt i/y) viết ngược lại là kỹ, đó là hai trường hợp viết không chuẩn.
Kết hợp sự ghi nhớ và phần nào sự phân biệt thuần Việt/ Hán Việt, ta thấy việc viết phân biệt i/y hoàn toàn khả thi vì: số lượng từ thuần Việt ít, có đặc điểm cấu trúc và ngữ âm dễ nhận ra, còn từ Hán Việt chỉ do một số ít từ tố gốc tạo thành, tất cả khoảng 25 từ tố gốc (ở đây gộp cả các từ tố đồng âm khác nghĩa, miễn nó là từ tố Hán Việt, viết y).
Thay lời kết
Viết đến đây chúng tôi thấy cần phải nói lời xin lỗi, vì chỉ có hai chữ i/y mà nói khá dài, làm mất thì giờ của độc giả. Nhưng biết làm sao được, nếu không đặt trong hệ thống tiếng Việt – chữ Việt, sẽ không thể nào “bào chữa” cho những “bất hợp lý” của i/y, nhất là trong bối cảnh đang có sự lộn xộn, nhiều người muốn nhập i/y làm một không chỉ vì sự “hợp lý” mà chỉ vì tránh sự “rắc rối”. Với giới chuyên môn, nếu chúng tôi có làm mếch lòng các bậc trí giả thì cũng chỉ vì tình yêu tiếng Việt. Chúng tôi cảm thấy nếu nhất thể i sẽ là đánh mất một phần gia tài tiếng Việt của cha ông, cho nên chúng tôi đành nhọc lòng và chịu mất lòng nữa để bảo vệ cho cách viết phân biệt i ngắny dài.


[1] Xem Ngôn ngữ và đời sống số 6/2005, Xuất bản Việt Nam số 4/2010 và Tham luận tại Hội thảo Ngôn ngữ học toàn quốc tháng 4/2010.
[2] Một vài ví dụ: g/gh cùng ghi âm /g/, ng/ngh cùng ghi âm /ng/, thậm chí 3 chữ cái c/k/q cùng ghi âm /k/. Âm đệm /u/ vừa viết là u vừa viết là o (huy hoàng), /a/ă/ đều viết a: sao/sau. Nguyên âm đôi /iê/ viết iê/ia: chiến/chia, /ươ/ viết ươ/ưa (thương/thưa),v.v.. Tiếng Bắc không phân biệt /tr/ch, s/x, d/gi/r/. Từ Thanh Hoá trở vào cho hết miền Nam không phân biệt hỏi/ ngã. Từ phía nam Quảng Bình trở vào bắt đầu không biệt âm cuối /c/t, n/ng/ và từ Thừa Thiên – Huế trở vào thì hoàn toàn mất sự phân biệt trên. Riêng Nam Bộ còn không phân biệt các phụ âm đầu /v/d/, không phân biệt /g/h/k/ khi có âm đệm (huế ® guế; quang ® goang), không phân biệt âm chính /i/iê/ (tim/tiêm), đánh mất âm đệm /u/ khi đi với các nguyên âm /ê, i/, trừ khi đi với /g/h/k/ (tuệ ® tệ; thuý ® thí), /ă ®a/ (cháu ® cháo, tay ® tai). Có những tiếng không một vùng nào phát âm “đúng”. Ví dụ sẵn, Bắc Bộ đọc xẵn; Thanh Hoá – Quảng Bình: sẳn/sặn; Huế trở vào: sặng/sẳng/xẳng.
[3] Ví dụ trong tiếng Anh, /e/ khi đứng cuối từ, ngoại trừ “the”, không được phát âm: bite /bait/, distance /'distəns/, line /lain/. Một âm ghi bằng nhiều chữ, và một chữ ghi cho nhiều âm cũng là hiện tượng phổ biến.
[4] Cao Xuân Hạo, Tiếng Việt, văn Việt, người Việt, NXB Trẻ, 2001.
[5] Xem Về bản dự thảo Quy định cách viết cách đọc tên riêng nước ngoài trong các văn bản quản lý nhà nước, Ngôn ngữ và đời sống số 6/2006.
[6] Có người đã thử viết sau khi chữ QN được cải tiến “hợp lý” như sau: Ôi! Cuốc gia tŭiệt vời, cuê hương iêu dấu, sau những chặng đường khúc khŭỉu của lịch sử, sau những loăi hoăi trong đêm hôm khŭia khoắt tưởng chừng tŭiệt vọng, ngằi năi dân ta đã có được một thứ chữ ŭiên bác, không tầi huầi cuê mùa như trước.
[7] Có không ít người đề nghị dùng hệ thống chính tả hiện tại để “phiên” thành hệ thống chính âm, và ta có một hệ thống chính âm “hoàn hảo” 1 đối 1 với chính tả, nhưng than ôi, đó là một thứ chính âm nhân tạo, siêu thực, và nếu đạt được sẽ là một đại hoạ cho tiếng Việt.
[8] Lâu nay nhiều người vẫn coi luyện chính âm là điều kiện tiên quyết cho chính tả, nhưng đã vấp phải một thực tế: không một phương ngữ nào có đủ khả năng để chọn chuẩn chính âm, mà dẫu có một vùng nào đó “chuẩn” thì cũng không cưỡng ép vùng khác nói theo được. Theo Nguyễn Đức Dương, dạy chính tả bằng con đường chính âm “là biện pháp thần tình nhất để viết sai chính tả một cách chắc chắn” (Linh hồn tiếng Việt, NXB Trẻ, 2003).
[9] Cao Xuân Hạo, Mấy vấn đề ngữ âm, ngữ pháp, ngữ nghĩa, NXB Khoa học Xã hội, 2006.
(Mùa thu 2010)
__________________________

Vẫn Chuyện i Ngắn, y Dài

Nguyễn Đình Hoà .
Cách đây chừng ba năm, tôi có mạo muội đề nghị với Tạp chí “Thế Kỷ 21” là nên viết tên tờ báo đứng đắn đó là Thếkỉ 21. Tiếp đó, một độc giả của tờ tạp chí ấy có chỉ ra là trong cuốn từ điển Việt-Anh của chính tôi, nhan đề là Vietnamese-English Dictionary (Saigon: Bình Minh, 1959; Tokyo: Charles E. Tuttle, 1966), từ “thế kỷ” [nghĩa là “century”] vẫn dùng con chữ “y dài” [thường được gọi là i-cờ-rét, “chữ Hi-Lạp”.]

Là người đã từng phụ trách giảng khoa về Kế hoạch hoá Ngôn ngữ (Language Planning) trong mấy chục năm, tôi thừa hiểu rằng: tại bất cứ một nước nào, việc thi hành kế hoạch về lĩnh vực lời ăn tiếng nói cũng cần phải lưu tâm đến tình cảm ngôn ngữ của người dân nói tiếng bản ngữ. Mấy cuộc hội nghị đã được triệu tập tại cả miền Bắc lẫn miền Nam Việt Nam trước 1975 về vấn đề thống nhất ngôn ngữ, về nhu cầu cải tiến chữ quốc ngữ, cũng như về việc cần tiêu chuẩn hoá chính tả và thống nhất danh từ khoa học kĩ thuật. Rồi sau 1975, các nhà chuyên môn vẫn tiếp tục thảo luận về những đề tài như: dùng con chữ nào cho âm vị nào, con chữ nào viết hoa, khi nào dùng gạch nối, khi nào viết liền các âm tiết (cũng là từ tố) bên trong một từ, phiên âm những thuật ngữ khoa học quốc tế cách nào? v.v… Những nhà ngữ học đó đều phải kết luận rằng có những đề nghị cải cách rất có tính khoa học, cốt làm cho chữ quốc ngữ nhất quán hơn, và có một số chuẩn mực phải theo một cách “trước sau như một”, song có điều chưa thi hành ngay được, vì thiên hạ quen cùng cách này, cách kia rồi.

Chẳng hạn, thiên hạ quen viết lý trưởng, lý tưởng, lý trí, kỳ dị, nước Mỹ, Mỹ quốc, (cao lương) mỹ vị, mỹ thuật, v.v… mất rồi. Thậm chí, có nhà văn còn dùng lối viết quá táo bạo: thi sỹ, hoạ sỹ, v.v… Lí do là người ta đã lẫn lộn con chữ i dùng để ghi nguyên âm (còn gọi là “mẫu âm”) /i/ — là âm hạt nhân hay âm chính của một âm tiết trong tiếng Việt — với con chữ y, dùng để ghi bán nguyên âm (còn gọi là “bán mẫu âm”) /y/ — là âm lướt xuất hiện ở đầu hoặc cuối một âm tiết và được ngành ngữ âm học ghi bằng kí hiệu [i:]. Có điều lạ là không ai viết kỳ dỵ, lý trý cả! Thực tế, nay chúng ta bảo nhau theo cách phân biệt nói trên mà viết cho đúng: ông lí trưởng, lí tưởng, lí trí, kì dị, nước Mĩ, Mĩ quốc, (cao lương) mĩ vị, mĩ thuật, v.v… thì có người sẽ thấy lạ hoắc, không quen, nên không chấp nhận.

Vậy thì trong khi chờ đợi chuẩn bị cho những lớp học sinh tiểu học, rồi trung học, được chỉ dạy những điểm sơ đẳng đó về tương quan giữa ngữ âm và chính tả, thì biện pháp tốt hơn hết ta có thể áp dụng ở giai đoạn đầu — tức ngay bây giờ — là:
  1. Khi một âm tiết có nguyên âm /i/ đứng ở cuối, thì ta dần dần cố nhớ ghi nhất loạt bằng con chữ i: ăn mì Hải kí gần hơn Tùng kí, ông lí trưởng, Mĩ cảnh, tiếng nói Hoa Kì, thế kỉ (thứ 21), v.v…
  2. Một biệt lệ là vần –uy /-wi/ [ui] như trong duy, huy, khuy, nguy, quy, tuy, thuý, v.v… thì vẫn viết như cũ, NHƯNG phải đánh dấu thanh điệu (hoặc thanh) vào nguyên âm chính: huý, luỹ, quý, tuý, tuỳ, tuỷ, thuý, thuỷ, nhuỵ, nguỵ, v.v… để phân biệt với húi, lủi, cúi, túi, đùi, tủi, thúi, khui, v.v…

    Ta cần chấp nhận biệt lệ này vì còn có những vần phức tạp hơn như /–uyên/, /-uyêt/ trong duyên, chuyển, huyên (náo), khuyên, luyến, quyên, tuyên truyền, thuyền, nhuyễn, nguyên, Nguyễn, xuyễn, duyệt, tuyết, khuyết, nguyệt, quyết, v.v…
  3. Nếu âm chính là nguyên âm /i/ đứng một mình hoặc đứng đầu âm tiết, thì vẫn viết theo thói quen như cũ: […] y học, y khoa, ý kiến, ý nghĩa, Nguyễn Ngu Ý, v.v…
Trong ba cuốn từ điển song ngữ Việt-Anh hay Anh-Việt của tôi (xuất bản vào những thập niên 1950 và 1960 đó), tôi vẫn theo thói quen của các nhà văn, nhà báo và nhà giáo mà ghi thế kỷ, kỷ niệm, kỷ nguyên, v.v… Nhưng ở thời điểm này (ba mươi năm sau!), tôi áp dụng chút sở học để cầu tiến và nắm tay các bạn già trẻ cùng tiến bộ, thiết tưởng bạn đọc và bạn học không nên lấy làm lạ, mặc dầu những điều tôi nêu lên (không phải là ý kiến riêng của tôi) có thể chưa đủ sức thuyết phục.

Ngoài ra, nói riêng một tạp chí đã có lời phi lộ là đem độc giả bước vào thế kỉ sau, thì quí vị phụ trách tờ báo có giá trị đó, theo thiển ý, chẳng nên ngần ngại gì mà không bắt đầu viết cho đúng: Thế-kỉ 21. Tôi còn xin phép đề nghị là tốt hơn nữa, quí vị trong ban biên tập, cho đến nay vẫn bỏ cái gạch nối — là cái dấu cần thiết cho người học nói, học đọc tiếng Việt, dù là người Việt hay người ngoài — xin đi xa hơn nữa mà triệt để viết liền hai âm tiết lại với nhau như thế này: Thếkỉ 21, thì thật là đúng với cái thiên chức quí vị đã đề ra cho tạp chí kia.

Ngày xưa, các cụ nhà ta dùng thẳng chữ Nho của người Hán, rồi lại mượn thứ chữ khối vuông đó của người phương Bắc để đặt ra chữ Nôm, rồi lại được người phương Tây mách cho cách dùng chữ cái của La tinh để ghi âm Việt. Cả ba thứ văn tự ấy đều là mượn của người ngoài, chẳng khác gì chiếc khăn đội đầu, về sau được thay thế bằng các kiểu nón mũ giúp ta tránh mưa che nắng mà thôi. Điểm then chốt là: hệ thống văn tự mà ta mượn của họ có nhiều điểm bất nhất và bất tiện, ta có cần mượn luôn cả những cái bất nhất đó vào văn tự của ta hay không?

Người đánh máy thêm vào một số kí hiệu ngữ âm quốc tế:
  1. Chữ trong ngoặc vuông là cách phát âm, thí dụ: [i].
  2. Chữ trong hai gạch nghiêng và in ngả (italic) là chữ viết, thí dụ: /i/, /y/.
n Nam). Dường như từ sữ chưa có trong các từ điển tiếng Việt. Trong nước xuất bản Quốc triều chỉnh biên toát yếu (Thuận Hoá, 1998). Kẻ nào to gan muốn chỉnh cả chính sử của nhà Nguyễn? Chưa hết. Đôi lúc còn phải chọn chữ i ngắn (i) hay i dài (y). Ngày xưa, Huình - Tịnh Paulus Của viết :Nguít (ngó có nửa con mắt, không muốn ngó). Huinh đệ. Huiên đường. Ngày nay mấy từ này được viết là nguýt, huynh, huyên. I được thay bằng y. Ngược lại, ym (mát mẻ, tư nhuận) được viết là im. Y nhường chỗ cho i. Mọi người vui vẻ chấp nhận mấy thay đổi này. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều trường hợp khó thay đổi. Người này khư khư giữ chữ i. Thưa quí vị, ngânquĩ cúng ma quỉ còn tiền, khỏi phải quịt bọn hàng mã... Người khác lại khăng khăng đòi chữ y. Dài mới đẹp.. Bồng bềnh, uyển chuyển, thướt tha. (Lại lạc đề). Thế là khắp nơi nổi lên một loạt nào là ca sỹ, văn sỹ, bác sỹ, thạc sỹ, tiến sỹ, sỹ quan... Ngày xưa dân ta chỉ biết Nhất sĩ nhì nông. Ngày nay sỹ bỵ bán sỷ. Mặt mày bý xỵ. Cứ theo trường phái ba phải là chắc ăn nhất. Có nhà báo đưa tin : Thượng nghị McCain thăm viếng Việt Nam... Các quan chức của ta đánh giá cao cuộc thăm viếng của thượng nghị sỹ McCain. Trườngthuật " chất lượng cao " kia tự hào đào tạo được nhiều kỹ sư xuất sắc. Bên cạnh chuyện i ngắn i dài, lại còn chuyện phải đánh dấu cho đúng chỗ. Cần gì đúng ! Miễn sao trông cho cân đối là được. Cứ đánh vào giữa là xong. (Đóa hoa, lõa lồ...). Dài ngắn, trước sau, loạn xà ngầu. Mặc kệ quy định và quyết định của bộ Giáo Dục. Bất chấp Từ điển chính tả tiếng Việt (Hoàng Phê, Giáo Dục, 1985), Từ điển tiếng Việt (Viện Ngôn ngữ học, Khoa Học Xã Hội, 1988).
Nguyễn
___________________________

Y dài hay i ngắn :
Một cô gái đến bàn đăng ký học tiếng Anh. Chàng trai ghi tên vào danh sách:
- Tên gì?
- Nguyễn Thị Thúy ạ.
- Y dài hay I ngắn?
- Thế ông muốn mỏ ông dài hay ngắn, hả?
_____________________________

“I” Ngắn Hay “Y” Dài
Từ ngày có đổi mới, gớm, đi đâu người ta cũng ưa nói về vấn đề thay đổi, cải cách. Ông Ba hàng xóm cứ bần thần trông thật thiểu não: - Tớ chẳng biết đổi mới cái gì bây giờ? Có một “mụ” vợ già muốn thay mà chẳng được! - Bác cứ đùa! Vi phạm luật hôn nhân và gia đình như chơi. Muốn có “bà hai”, “ bà ba” thì bác phải gia nhập Đạo Hồi đi. Chú cứ xúi bậy! Một đời, tui là thằng vô thần, giờ lại trở chứng vô đạo! Có mà lăng nhăng. Tôi cũng đang suy ngẫm, không biết mình sẽ đóng góp gì cho thời đại đây. Thì “đùng một cái” tôi có tên trong BAN CẢI CÁCH CHŨ VIẾT. Một khi có cái ban cải cách này ra đời thì đương nhiên tôi phải là thành viên, bởi vì tôi là tiến sĩ khoa học, chuyên ngành ngôn ngữ. Trong đám bạn bè đi Liên Xô làm nghiên cứu sinh hồi đó, đứa thì chọn đề tài: “ Văn hóa sông Cửu Long vùng Tháp Mười”, đứa thì: “ Dân ca Quan họ Bắc Ninh trong Triết lý Âm Dương Ngũ hành”, v.v.. Tôi tự hỏi: “Có ông Giáo sư Tây nào biết được ba cái dân ca hò vè xứ ta đâu!”. Mình phải chọn cái gì cho kêu, cho ra tấm ra miếng, nên đề tài của tôi là “cấu trúc Toán học trong Ngôn ngữ”. Tên đề tài nghe rất hiện đại, rất khoa học. Ấy vậy mà vẫn có một ông bạn thân chê: Thôi đi cha nội! Ngôn ngữ là sản phẩm của lao đông. Mà ngày xưa các “cụ cố ” của loài người thì biết gì về toán học? - Thì bây giờ mình phải phân tích và xây dựng cho nó “có vẻ Toán học”, không được sao?. Vậy thì “duyệt”. Hắn cao ngạo khẳng định. Nhưng rồi cuối cùng thì tôi có tấm bằng Tiến sĩ. Còn hắn thì trì trật mãi cũng chỉ nhận được tấm bằng Phó Tiến sĩ Hóa Lý. Khi “quy đổi”, tôi nghiễm nhiên là Tiến sĩ Khoa học (TSKH), còn hắn mãi mãi là Tiến sĩ (Có ai đi làm thêm KH nữa đâu). Nhờ vậy, tôi còn được nhiều thứ, nhưng nếu cứ nói ra thì hắn lại cho rằng tôi là kẻ ưa khoe khoang. Ban cải cách chữ viết hoạt động không ngừng nghĩ, tưởng chừng chúng tôi đã thay đổi được cả lịch sử. Ông A đề nghị: - Viết cũng phải tiết kiệm. Thì cứ mỗi chữ cái ta bắt viết một nét. Bà B “đế ” vào. Cứ thế chúng tôi hoàn toàn nhất trí mọi “ sáng kiến” về cải cách chữ viết. Hôm tổng kết để liên hoan, bà Trưởng ban dõng dạc tuyên bố: Chúng ta đã làm được nhiều thứ, từ bảng chữ cái,v.v.,.. Nhưng gì thì gì vẫn phải để chữ “E” lên đầu các chữ cái. (Tôi phải chú thích rằng, bà là dân xứ Quảng, nên đọc chữ “A” thành chữ “E”. Điều mà sau này thay vì vẫn giữ chữ “A” ai đó đã đưa chữ “E” nằm vị trí đầu tiên trong bảng chữ cái tiếng Việt, đúng như lời bà Trưởng Ban). > Vậy còn chữ “I” ngắn và chữ “Y” dài thì sao? Ai đó trong Ban thắc mắc. Để đơn giản, tất cả đều viết “I” ngắn. Chữ “Y” dài là do đế quốc sài lang nó mang tới. Mình phải tiết kiệm thì mình mới là minh! Nhiều người trong Ban ủng hộ. Theo tôi, không thể tùy tiện như vậy được. Tôi đứng phắt dậy mà chẳng cần xin phép gì cả. Kể cũng tệ, nhưng không thể cái gì cũng “gật”. Tôi tiếp tục: Có nhiều chữ, nếu ta thay “Y” dài bằng “I” ngắn thì ngưnghĩa sẽ khác ngay lập tức. tùy người viết, kiểu nào cũng chấp nhận, miễn là có ý nghĩa của câu. Bà Trưởng Ban kết luận. Khổ nổi, từ cái việc cải cách chữ viết đó mà ông ban Tiến sĩ toán lý kia bị một vố đau hơn hoạn. Dạy không đủ nuôi vợ nuôi con, nên hắn đầu tư làm sách giáo khoa. Mà loại sách đó đã có Nhà xuất bản chuyên trách rồi. Hắn làm tập chữ viết cho trẻ vào lớp một bằng kiểu phăng- tê- di phóng khoáng như xưa. Trong bảng chữ cái của hắn thì chữ “A” vẫn đứng đầu. Các kiểu mẫu chữ cũng là xưa rồi, “bác sĩ”, “chiến sĩ”, “nông sĩ”,…, “tiến sĩ”,.. tất thảy con người đều là “I” ngắn. Trong khi đó Nhà xuất bản chuyên trách thì ra tập viết “từng nét” một theo cải cách. Trong bảng chữ cái thì chữ “E” đứng đầu thay cho chữ “A”. Chữ “I” ngắn thành “Y” dài, ví như “bác sỹ”, “chiến sỹ”, “nông sỹ”,…, “tiến sỹ”,… Vậy là hắn đi toi cả một mớ tiền vay mượn bạn bè. Nghe nói hắn còn suýt bị truy tố vì tội chống lại đường lối “cải cách”. Chuyện cứ tưởng rằng, BAN CẢI CÁCH CHỮ VIẾT chúng tôi đã làm được những điều lớn lao. Sau nhiều năm cải cách, đến giờ vẫn chưa có BAN TỔNG KẾT ra đời. Nhưng tôi thì khác, với tư cách một nhà nghiên cứu ngôn ngữ, tôi lặng lẽ làm một thống kê cho riêng mình. Đầu tiên là chúng tôi đã tạo ra một thế hệ người Việt viết chữ xấu nhất trong lịch sử dân tộc từ xưa tới nay. Trong các văn bản của NGÀY XƯA, nét chữ bay lượn như rồng bay phượng múa. Nhìn vào nét CHỮ XƯA chúng ta có thể đoán được tính cách con người. Còn trong các văn bản chữ viết CẢI CÁCH thì nó đơn điệu, nguệc ngoạc đến ghê ghê, một kiêu chữ lạ lùng. Dù rằng là thành viên của BAN, nhưng tôi cũng chẳng thể nào tưởng tượng ra nổi những điều tệ hại đó. Thế hệ tôi đã già, quen với cách viết phóng khoáng tự do, các nét viết liền nhau. Một câu văn, cứ thế nó ào ào chảy theo nét bút bay lượn. Còn bây giờ, tưởng tiết kiệm thì nhanh, nào ngờ viết chậm rì, bởi nét chữ bị đứt đoạn gãy vụn. Thằng cháu nội là nhân quả nhãn tiền. Chữ nó còn xấu hơn gà bới. Nó bảo rằng: “Chữ cô giáo dạy chỉ bấy nhiêu thôi!”. Ngày xưa cô giáo cũng được BAN chúng tôi bày cho cách viết này mà lỵ. Tôi đang suy ngãm về việc tổng kết CẢI CÁCH CHỮ VIẾT bắt đầu từ đâu, thì đứa cháu gọi tôi bằng chú ghé nhà chơi. Cháu nó là thương binh trong chiến tranh biên giới, giờ nhờ đổi mới nên ăn nên làm ra, có tiền tậu xe hơi. Cháu đã học lái xe gần cả năm trời mà không thể nào đi thi lấy bằng được, chỉ vì bác sĩ khám sức khỏe ghi nó chỉ có một “tay” và hai “tai” nên Hội đồng không cho người chỉ có một tay thi lấy bằng lái. Thực tế nó bị thương vào một vành tai do mảnh đạn cối cắt mất. Chết thật! Một “tay” và một “tai” khác nhau lắm chứ! Bố cháu, tức là ông anh trai tôi, sau chiến tranh thì phục viên về quê cày ruộng. Có đồng ra đồng vào nên bắt đầu sắm sửa tư liệu sản xuất hiện đại, nào máy cày, máy bừa,…, đủ thứ máy. Hôm đầu năm bác gái nhận được một giấy báo nợ ghi rõ ràng rằng bác trai mua “hai mái” còn thiếu những chục triệu đồng. Bác gái làm một cuộc chiến tranh lạnh mấy tuần chỉ vì nghi bác trai đi hát KaraOke với “hai chị” trên phố. Tôi tính sẽ thống kê hết thành quả của công cuộc cải cách chữ viết, bắt đầu từ những người thân, sau đó mở rộng ra cả xã hội để đánh giá tính thời đại của nó thì tỉnh S nhờ tham gia hội đồng viết dư địa chí, tỉnh V lại nhờ làm chủ nhiệm đề tài cấp tỉnh, nhưng ngân sách nhiều gấp hàng chục lần tiền đề tài cấp bộ. Đặc biệt tỉnh K đánh tiếng nhờ “vẽ giùm” mấy đề tài nghiên cứu khoa học vì có đến hơn chục tỷ đồng vẫn chưa có đầu ra. Bận quá, nên sẵn có học viên cao học Trương Nam Hải, tôi giao ngay đề tài: “Đánh giá những vấn đề phát sinh trong cải cách chữ viết” và hy vọng chúng tôi sẽ có một kết luận khoa học khách quan. Một hôm tôi từ tỉnh K trở về, bước vào phòng làm việc thấy Nam Hải đang “chát” với ai đó trên mạng Internet. Vô tình thôi, nhưng tôi nhìn thấy trên màn hình dòng chữ cậu ta vừa gõ: - “ Iêu E không?”. Đầu bên kia gửi lại: “ Em Iêu A!”. Đầu óc tôi tá hỏa, chết cha mình rồi! Cả thế hệ này họ đều viết chữ “yêu” thành “iêu”. Cậu Hải là người Sài Gòn mà sao lại viết chữ “A” (anh) thành chữ “E” như bà Trưởng Ban người xứ Quảng nói dạo nào. Từ đó tôi cứ phải suy nghĩ, suy nghĩ nhiều lắm và bệnh mất ngủ xuất hiện. Cho đến giờ này tôi vẫn chưa ngủ được!./.


__________________________________

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Mời coi thêm